Tên sách: DevUp_Cuốn sách toàn diện phát triển sự nghiệp của Lập trình viên
Tác giả: Nguyễn Hiển
Thời điểm viết: 2020
Số trang: 198
Thể loại: Giáo dục - Hướng nghiệp
Ngôn ngữ : VN
Thế giới đang đối mặt với những thay đổi chưa từng có. Những gì chúng ta chắc chắn vào 5 năm, hoặc 2 năm trước, giờ đây đang bị thử thách. Từ “cơn bão” của Trí tuệ nhân tạo, những chức năng, ứng dụng mới của các ngôn ngữ lập trình cho đến sự xuất hiện của đa dạng nền tảng công nghệ.
Cuốn sách này, vì vậy ra đời với mong muốn giải đáp câu hỏi “Cần phải làm gì? và “Làm như thế nào?” cho những lập trình viên “bình thường” - những người muốn tốt và tốt hơn từng ngày, không phải những lập trình viên siêu hạng hay những người muốn nhanh chóng nhảy cóc tới đỉnh tháp.
Cuốn sách cung cấp một mô hình giúp lập trình viên đi đường xa bằng cách quay lại những nguyên lý cơ bản. Từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng một cách bền vững.
Cuốn sách này không có gì?
Cuốn sách này không có những chỉ dẫn chi tiết về ngôn ngữ, công nghệ, nền tảng,...Thi thoảng, bạn sẽ tìm thấy một số chỉ dấu về ngôn ngữ công nghệ, nhưng đó tuyệt nhiên không phải là những gì cuốn sách hướng tới, chúng chỉ được sử dụng như để làm rõ hơn những chỉ dấu lý thuyết.
Cuốn sách này có gì?
Cuốn sách này có những chỉ dẫn mang tính định hướng việc phát triển sự nghiệp lâu dài của lập trình viên. Bởi mang tính định hướng lâu dài, sách có những nguyên lý cơ bản, đơn giản nhưng mang tính nền tảng giúp lập trình viên nâng cao trình độ một cách bền vững theo thời gian.
Ai không nên đọc cuốn sách này?
Những lập trình viên siêu hạng và những lập trình viên "đi theo đường thẳng" - thấy rõ ràng đích đến và đường đi của mình.
Ai nên đọc cuốn sách này?
Những lập trình viên bình thường. Những lập trình viên thích khám phá, muốn chủ động phát triển sự nghiệp bền vững thông qua sự chuyên nghiệp và kiểm soát tiến trình phát triển bản thân.
Những nhà quản lý. Những người muốn hiểu lập trình viên cần và muốn gì để hỗ trợ họ phát triển trong sự nghiệp.
DevUp = Dilemmas + Experiment + Valuation + Unlearn + Performance
Trong bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào, phân bố về trình độ luôn có kim tự tháp với những người xuất sắc nhất ở đỉnh tháp. Công nghệ thông tin và nghề lập trình cũng vậy, những lập trình viên xuất sắc nhất ngự trị ở đỉnh tháp, tiếp đến là những lập trình viên khá và trung bình, cuối cùng là những lập trình viên non nớt và yếu kém. Sự coi trọng về nghề nghiệp cũng tưởng thưởng, qua đó, cũng tăng dần từ đáy lên đỉnh tháp.
James Gosling, lập trình viên quan trọng bậc nhất trong công ty công nghệ hàng đầu, tác giả của Java - một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất trên thế giới. David Heinemeier Hansson, lập trình viên đã tạp ra nền tảng phát triển Web Ruby on Rails, xây dựng một công ty công nghệ hàng đầu. Linus Torvald, lập trình viên đã sáng tạo ra cả một hệ điều hành đang được sử dụng bởi hàng triệu máy chủ, cũng như sáng tạo ra Git, giao thức được hàng chục triệu lập trình viên sử dụng ngày nay. 3 lập trình viên huyền thoại này đương nhiên ngự trị ở đỉnh tháp. Phần lớn lập trình viên muốn được như David và Linus nhưng không biết mình đang ở đâu, đa số không thừa nhận mình đang ở đáy tháp - nơi được coi là đánh dấu sự thất bại trong sự nghiệp.
Không sao cả, việc của phần lớn lập trình viên không phải là ngay lập tức nhảy lên đỉnh tháp, sáng tạo ra một ngôn ngữ, một nền tảng. Việc của lập trình viên, trước hết là giữ mình không bị tụt sâu xuống đáy tháp, sau đó từng bước nhỏ đi lên phía trên.
"Trước khi trở thành người hùng, bạn phải sống sót đã."
Xuyên suốt nội dung cuốn sách là những chỉ dẫn cho lập trình viên tốt và tốt hơn từng ngày, không có những chỉ dẫn cho những lập trình viên siêu hạng hoặc những lập trình viên muốn nhanh chóng nhảy cóc tới đỉnh tháp.
Chúc các bạn tìm thấy những điều thú vị trong những trang sách tiếp theo nhé!
Trích giới thiệu sách