Joanne Rowling CH, OBE, FRCPE, FRSL (/ˈroʊlɪŋ/ ROH-ling;[1] sinh ngày 31 tháng 7 năm 1965[2]), thường được biết đến với bút danh J. K. Rowling,[3] là một nhà văn, nhà từ thiện, nhà sản xuất phim và truyền hình, nhà biên kịch người Anh. Bà nổi tiếng là tác giả của bộ truyện giả tưởng Harry Potter từng đoạt nhiều giải thưởng và bán được hơn 500 triệu bản,[4][5] trở thành bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử.[6] Bộ sách đã được chuyển thể thành một loạt phim ăn khách mà chính bà đã phê duyệt kịch bản[7] và cũng là nhà sản xuất của hai phần cuối.[8] Bà cũng viết tiểu thuyết trinh thám hình sự dưới bút danh Robert Galbraith.
Xuất thân từ Yate, Gloucestershire, Rowling nảy sinh ra ý tưởng cho bộ truyện Harry Potter vào năm 1990 khi bà còn làm việc nghiên cứu và thư ký song ngữ cho tổ chức Ân xá Quốc tế, trên một chuyến tàu bị hoãn từ Manchester đến Luân Đôn.[9] Trong thời kỳ bảy năm sau đó, cuộc đời bà có nhiều biến động: mẹ bà qua đời, đứa con đầu lòng ra đời, bà ly hôn với chồng thứ nhất. Bà sống trong cảnh túng quẫn cho đến khi tiểu thuyết đầu tay là Harry Potter và Hòn đá Phù thủy ra mắt vào năm 1997. Sau khi hoàn thành quyển đầu tiên này, bà đã lần lượt xuất bản sáu quyển tiếp theo trong 10 năm sau đó — với quyển cuối cùng ra mắt vào năm 2007. Sau thời điểm đó, bà viết thêm vài tác phẩm cho độc giả người lớn: The Casual Vacancy (2012) và loạt truyện trinh thám hình sự Cormoran Strike (dưới bút danh Robert Galbraith).[10] Năm 2020, bà viết tác phẩm "cổ tích chính trị" dành cho thiếu nhi, The Ickabog, ra mắt nhiều kỳ bằng phiên bản trực tuyến.[11]
Cuộc đời của Rowling được miêu tả là "từ nghèo đến giàu" — lúc mới vào nghề bà còn phải nhận trợ cấp từ chính phủ, cho đến khi thành công nhờ bộ truyện thì bà trở thành nhà văn tỷ phú đầu tiên trên thế giới, theo tạp chí Forbes.[12] Rowling phản bác tuyên bố này và cho rằng mình không phải là tỷ phú.[13] Forbes báo cáo rằng bà không còn là tỷ phú vì đã hiến tặng phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức thiện.[14] Tổng doanh thu của bà tính riêng tại Anh đã vượt con số 238 triệu bảng Anh, khiến bà đứng đầu danh sách tác giả còn sống ở đất nước này.[15] Danh sách người giàu có nhất Anh năm 2021 của tờ Sunday Times ước tính tài sản của bà có trị giá 820 triệu bảng Anh, đưa bà vào vị trí người giàu có thứ 196.[16] Tạp chí Time nêu danh bà như một trong những người được cân nhắc để trở thành Nhân vật của năm cho năm 2007, ghi nhận những cảm hứng xã hội, đạo đức, và chính trị mà bà đã truyền đến những người hâm mộ.[17] Rowling được trao Huân chương Danh dự (CH) trong lần trao năm 2017 do những cống hiến đến nền văn học và từ thiện. Tháng 10 năm 2010, bà được các chủ bút tạp chí hàng đầu vinh danh là "Phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Anh".[18] Rowling ủng hộ nhiều tổ chức từ thiện, trong đó có Comic Relief, One Parent Families, và Hội Đa xơ cứng Anh; bà cũng là người khởi xướng tổ chức từ thiện Lumos. Kể từ cuối năm 2019, bà công khai quan điểm của mình về quyền của người chuyển giới và đã gây ra nhiều tranh cãi.
Khi Rowling 23 tháng tuổi, Dianne em gái bà chào đời.[29] Năm bà 4 tuổi, gia đình bà phải chuyển tới Winterbourne - một ngôi làng gần đó.[38] Khi còn nhỏ, bà thường viết truyện kỳ ảo và thường đọc cho em gái nghe.[1] Khi lên 9, Rowling lại dọn đến ngôi nhà Church Cottage ở làng Tutshill, Gloucestershire, gần Chepstow, Wales. Khi đến tuổi thiếu niên, bà dì[39] của Rowling tặng cho bà cuốn Hons and Rebels - tự truyện của Jessica Mitford.[40] Rowling coi tác giả Mitford là thần tượng của mình, và đọc hết sách của Mitford.[41]
Rowling nói rằng thời thiếu niên của mình không được vui.[30] Cuộc sống gia đình bà phức tạp hơn từ khi mẹ bà bị chẩn đoán mắc chứng đa xơ cứng và có quan hệ căng thẳng với người cha mà đến nay bà vẫn còn không liên lạc.[30] Bà cho biết bà tạo ra nhân vật Hermione Granger dựa trên chính mình năm 11 tuổi.[42] Sean Harris, bạn thân của bà từ lớp Upper Sixth (tương đương lớp 12), có một chiếc Ford Anglia màu ngọc lam; chiếc xe này chính là hình mẫu của chiếc xe bay trong Harry Potter và Phòng chứa bí mật.[43] Như các thiếu niên khác thời đó, Rowling nghe nhạc của các ban nhạc The Smiths, The Clash[44] và Siouxsie Sioux. Bà thường ăn vận theo phong cách của ban nhạc Siouxsie Sioux, chải tóc ra sau và kẻ mắt màu đen cho đến khi bắt đầu vào đại học.[32]
Rowling theo học trường tiểu học St Michael's do nhà bãi nô William Wilberforce và nhà cải cách giáo dục Hannah More thành lập.[45][46] Alfred Dunn, hiệu trưởng khi đó, được cho là hình mẫu của nhân vật Albus Dumbledore.[47] Bà học sơ trung ở Wyedean School and College, nơi mẹ bà làm việc (ban khoa học).[31] Steve Eddy, giáo viên dạy bà môn Anh văn ở đó, nhận xét bà khi đó "không đặc biệt", nhưng là "một trong các nữ sinh thông minh và giỏi môn Anh văn".[30] Bà nhận chứng chỉ A-level trong các môn Anh văn, tiếng Pháp, tiếng Đức, với hai điểm A và một điểm B;[32] và là nữ sinh đại diện trường (head girl).[30]
Năm 1982, Rowling dự kỳ thi tuyển vào Đại học Oxford nhưng bị trượt,[30] nên theo học Đại học Exeter rồi nhận bằng cử nhân tiếng Pháp và ngôn ngữ cổ điển ở đó.[48][49][50] Martin Sorrell, một giáo sư môn tiếng Pháp ở Exeter, nói Rowling là một sinh viên "giỏi thầm lặng trong chiếc áo khoác denim và bộ tóc đen, và, nói theo kiểu hàn lâm là, có phong thái làm được những gì cần làm".[30] Theo như Rowling kể lại, bà học rất ít, và thích đọc truyện của Dickens và Tolkien hơn.[30] Năm 1986, sau một năm học ở Paris, Rowling tốt nghiệp Exeter.[30] Hai năm sau, bà viết một bài luận ngắn về thời gian học môn Ngôn ngữ cổ có tiêu đề "Tên thần nữ đó là gì?, hay là Nhớ lại các môn tiếng Hy Lạp và Latin"; bài này được đăng trên tập san Pegasus của trường đại học Exeter.[51]
Ở London, Rowling trở thành nghiên cứu sinh và thư ký song ngữ cho tổ chức Ân xá Quốc tế,[52] nhưng rồi quyết định chuyển đến Manchester với bạn trai[29] và làm việc tại phòng thương mại.[32] Năm 1990, khi đang ngồi trên chuyến tàu khởi hành trễ 4 tiếng từ Manchester tới London, bà bỗng "hoàn toàn hình thành" ý tưởng về một cậu bé đi học trường pháp thuật,[29][53] và đặt bút viết câu chuyện ngay khi về đến căn hộ của mình tại Clapham Junction.[29][54]
Tháng 12 năm đó, bà Anne, mẹ của Rowling, qua đời sau 10 năm chống chọi với bệnh đa xơ cứng.[29] Khi đó, Rowling đang viết Harry Potter, nhưng chưa từng nói với mẹ.[23] Cái chết của mẹ có tác động rất lớn tới tác phẩm của Rowling.[23] Bà xoa dịu nỗi đau mất mát bằng cách viết nhiều và chi tiết hơn về nỗi buồn của Harry trong tập 1.[55]
Vào năm 1995, Rowling hoàn tất bản thảo cho quyển Harry Potter và Hòn đá Phù thủy mà bà đã đánh máy trên máy đánh chữ thủ công.[72] Sau khi nhận được lời khen nhiệt tình từ Bryony Evens, một độc giả được giao nhiệm vụ đánh giá ba chương đầu của quyển sách, Cơ quan Đại diện Văn chương Christopher Little có trụ sở ở Fulham đồng ý đại diện bà để tìm một nhà xuất bản. Quyển sách được đệ trình cho 12 nhà xuất bản nhưng không nơi nào chịu nhận bản thảo.[32] Một năm sau, bà nhận sự chấp nhận (và khoản tiền tạm ứng là 1.500 bảng Anh) của Barry Cunningham từ Bloomsbury, một nhà xuất bản ở Luân Đôn.[32][73] Quyết định xuất bản quyển sách của Rowling phần lớn là nhờ vào Alice Newton, cô con gái 8 tuổi của chủ tịch Bloomsbury, người được cha cô đưa chương đầu để đọc và đánh giá và đã ngay lập tức đòi lấy đọc chương tiếp theo.[74] Dù Bloomsbury đã đồng ý xuất bản cuốn sách, Cunningham cho biết ông đã khuyên Rowling nên tìm nghề chính, vì công việc viết sách thiếu nhi khó làm ra tiền.[75] Không lâu sau, trong năm 1997, Rowling nhận được một khoản trợ cấp 8.000 bảng Anh từ Hội đồng Nghệ thuật Scotland để có thể tiếp tục viết lách.[76]
Tháng 6 năm 1997, Bloomsbury xuất bản quyển Hòn đá Phù thủy (dưới tựa đề nguyên gốc là Harry Potter and the Philosopher's Stone) với số lượng 1.000 bản trong lần in đầu, trong đó 500 được phân phối đến các thư viện. Ngày nay, những phiên bản này trị giá từ 16.000 đến 25.000 bảng Anh.[77] Năm tháng sau, quyển sách giành được giải thưởng đầu tiên, Giải sách Nestlé Smarties. Tháng 2 năm 1998, tiểu thuyết giành Giải Sách Anh ở hạng mục Sách Thiếu nhi của Năm, và sau đó nhận Giải Sách Thiếu nhi. Đầu năm 1998, một cuộc đấu giá được tổ chức ở Hoa Kỳ để mua lại quyền xuất bản quyến sách, và Scholastic Inc. thắng cuộc với giá 105.000 USD. Rowling cho biết bà đã "[mừng] gần chết" khi nghe tin.[78] Vào tháng 10 năm 1998, Scholastic xuất bản quyển Hòn đá Phù thủy dưới tựa đề là Harry Potter and the Sorcerer's Stone. Sau này Rowling nói rằng bà cảm thấy thấy hối tiếc và nếu có địa vị mạnh hơn vào lúc đó thì bà đã không đồng ý với cái tên mới này.[79] Với số tiền nhận được từ Scholastic trong cuộc đấu giá, Rowling dọn ra khỏi căn hộ của mình và đến số 19 Hazelbank Terrace ở Edinburgh.[66]
Phần tiếp theo, Harry Potter và Phòng chứa Bí mật, xuất bản vào tháng 7 năm 1998 và một lần nữa đem lại cho Rowling Giải Smarties.[80] Tháng 12 năm 1999, tiểu thuyết thứ ba là Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban lại thắng Giải Smarties, khiến Rowling trở thành người đầu tiên thắng giải này ba năm liên tiếp.[81] Sau đó bà rút quyển tiểu thuyết Harry Potter thứ tư ra khỏi danh sách ứng cử để công bằng hơn cho các quyển khác. Tháng 1 năm 2000, Tên tù nhân ngục Azkaban giành Giải Sách Thiếu nhi của năm Whitbread trong năm đầu tiên, tuy nhiên quyển sách không giành được giải Sách của năm, được trao cho bản dịch tác phẩm Beowulf của Seamus Heaney.[82]
Quyển thứ tư, Harry Potter và Chiếc cốc lửa, ra mắt cùng ngày tại Anh và Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 7 năm 2000 và đã đạt kỷ lục bán chạy ở cả hai nước với 372.775 quyển được bán vào ngày đầu tiên tại Anh, gần bằng con số mà Tên tù nhân ngục Azkaban bán được trong năm đầu.[83] Tại Hoa Kỳ, tiểu thuyết bán được 3 triệu quyển trong vòng 48 tiếng đầu tiên, vượt qua mọi kỷ lục trước đó.[83] Rowling cho biết bà đã gặp khủng hoảng trong lúc sáng tác tiểu thuyết và phải viết đi viết lại một chương nhiều lần để sửa một lỗi trong cốt truyện.[84] Rowling được vinh danh là Tác giả của Năm tại Giải Sách Anh năm 2000.[85]
Sau khi Chiếc cốc lửa xuất bản, độc giả phải đợi ba năm để đọc được quyển Harry Potter thứ năm là Harry Potter và Hội Phượng Hoàng. Khoảng cách thời gian này đã khiến báo chí suy đoán rằng Rowling đã mắc phải chứng writer's block (một khái niệm khi tác giả mất ý tưởng sáng tác trong viết lách); bà đã phủ nhận các suy đoán này.[86] Rowling sau này nói rằng việc sáng tác quyển sách là một công việc phải làm, lẽ ra nói nên ngắn hơn, và bà đã hết thời gian và nghị lực khi cố gắng hoàn tất quyển sách.[87]
Quyển thứ sáu, Harry Potter và Hoàng tử lai, ra mắt vào ngày 16 tháng 7 năm 2005. Tiểu thuyết cũng vượt qua tất cả kỷ lục bán chạy trước đó, bán được 9 triệu bản trong vòng 24 tiếng sau khi xuất bản.[88] Năm 2006, Hoàng tử lai giành Giải Sách Anh ở hạng mục Sách của Năm.[80]
Tựa của quyển Harry Potter thứ bảy và cũng là cuối cùng được công bố vào ngày 21 tháng 12 năm 2006 là Harry Potter và Bảo bối Tử thần.[89] Vào tháng 2 năm 2007, báo chí đăng tin rằng Rowling đã viết trên một bức tượng bán thân trong phòng khách sạn của mình ở Khách sạn Balmoral ở Edinburgh rằng bà đã hoàn tất quyển thứ bày trong phòng đó vào ngày 11 tháng 1 năm 2007.[90] Harry Potter và Bảo bối Tử thần ra mắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2007 (0:01 BST)[91] và vượt qua kỷ lục của quyển trước, trở thành quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại.[92] Tiểu thuyết bán được 11 triệu quyển trong ngày đầu tiên phát hành tại Anh và Hoa Kỳ.[92] Chương cuối của quyển sách là một trong những đoạn đầu tiên mà bà đã viết trong toàn bộ loạt sách.[93]
Harry Potter hiện nay là một thương hiệu toàn cầu trị giá khoảng 15 tỷ USD,[94] và bốn quyển Harry Potter cuối cùng đã lần lượt lập kỷ lục sách bán chạy nhất mọi thời đại.[92][95] Toàn bộ loạt sách, với tổng cộng 4.195 trang,[96] đã được dịch toàn bộ hay một phần ra 65 ngôn ngữ khác nhau.[97]
Những tiểu thuyết Harry Potter cũng đã được công nhận trong việc khiến giới trẻ quan tâm đến việc đọc sách trong thời điểm mà người ta tưởng rằng trẻ em đang bỏ sách để chơi máy tính, xem truyền hình hay chơi các trò chơi video,[98] dù cũng có báo cáo rằng tuy những quyển sách này nhận nhiều độc giả, giới thanh thiếu niên vẫn tiếp tục giảm đọc sách.[99]
Trích Wikipedia